Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về y tế và y đức của người thầy thuốc
27/02 là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để cả xã hội thể hiện sự kính trọng, sự biết ơn đến các y, bác sĩ, nhân viên và những người công tác trong ngành Y tế đã dành hết sức lực và tài trí để cống hiến cho sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân; đây cũng là ngày để các y, bác sĩ cùng những người công tác trong ngành Y tế nhắc nhở bản thân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và luôn quan tâm đến việc xây dựng một nền y học Việt Nam vững mạnh và toàn diện, trong đó vấn đề y đức được Người đặc biệt quan tâm, theo Người, “ngành Y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam - Lương y phải như từ mẫu”Người nhấn mạnh “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, điều này cho thấy quan điểm “thầy thuốc như mẹ hiền” chính là điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chính là trách nhiệm và lương tâm với người bệnh, có lương tâm với người bệnh chính là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết khác của người thầy thuốc.

Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò của sức khoẻ con người, Người coi đây là một nhân tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; Người chỉ rõ “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công”; Người nói “mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ. Dân cường thì quốc thịnh”; trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người cho rằng “sức khoẻ của cán bộ và Nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hǎng hái, tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.

Người chủ trương xây dựng một nền y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Người căn dặn đội ngũ cán bộ ngành Y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc ta. Người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại, của các nước trên thế giới. Người thường xuyên căn dặn “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”; cho nên, các thầy thuốc tây y phải học đông y, các thầy thuốc đông y cũng phải học tây y, cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ Nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì tốt. Bởi vậy, cả ngành y và người thầy thuốc phải coi trọng việc phòng bệnh cũng cần thiết như chữa bệnh; để chống lại bệnh tật, đau yếu, cán bộ y tế phải đặc biệt quan tâm từ những vấn đề nhỏ về vệ sinh môi trường như nước sạch, nhà vệ sinh, vệ sinh diệt ruồi, diệt muỗi… Người đã nhấn mạnh “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”; khi gặp một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ; thầy thuốc là phải hết lòng yêu thương, tận tình chăm sóc, quan tâm đến tâm tư, tình cảm của người bệnh, bởi để chữa trị bệnh tật tận gốc thì không chỉ nhìn vào những vết thương bề ngoài; những vấn đề về tinh thần, tình cảm càng cần phải được quan tâm để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như y đức của người thầy thuốc; mặt khác, theo Người “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú, Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào, đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang, nhân văn”. Những lời dạy của Người dành cho ngành Y tế Việt Nam giản dị, sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược đã trở thành tài sản vô giá.

anh tin bai

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/02/1955

Đây là tư tưởng, tình cảm, là lời dạy và những định hướng lớn để xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “sáng y đức, giỏi y thuật”; 70 năm trôi qua, những lời căn dặn của Bác trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/02/1955 vẫn còn nguyên giá trị, t những lời căn dặn chứa đựng tình yêu thương mà gần gũi, Bác muốn nhắn nhủ tới ngành Y tế và các thế hệ cán bộ y tế:

Một là, người thầy thuốc phải giỏi chuyên môn: Y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn quân, toàn dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình. Đặc biệt, Bác luôn khuyến khích cán bộ y tế tự nghiên cứu, tìm tòi phát huy sáng kiến kinh nghiệm trong công tác.

Hai là, người thầy thuốc phải thật thà, đoàn kết: Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng hướng tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, do đó, ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải “thật thà, đoàn kết”.

Ba là, xây dựng một nền y tế vừa truyền thống, vừa hiện đại: Xây dựng một nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất để phục vụ Nhân dân tốt nhất. Tích cực quan tâm xây dựng đời sống mới cho Nhân dân, nâng cao thể lực cho Nhân dân; đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe.

Bốn là, để hình ảnh người thầy thuốc đẹp mãi: Các thế hệ đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn gian khổ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng trăm cán bộ y tế đã hy sinh cho ngày độc lập, rất nhiều thầy thuốc đã nêu gương sáng cả về chuyên môn và đạo đức, như bác sĩ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Bách, Đặng Thuỳ Trâm… và trong thời bình, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, cả nước ta chung sức, đồng lòng trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 “như chống giặc”, hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” đã không ngại hy sinh, gian khổ, gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình, để lại con thơ, bố mẹ già đang ngày đêm ngóng trông, đi vào tâm dịch nhiều tháng không về nhà, nhiều nhân viên y tế trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử, sẵn sàng nhận rủi ro về mình để phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến và có nhiều người đã mãi mãi không trở về, hình ảnh những cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc đã ghi sâu vào tâm trí của mỗi người dân Việt Nam.

Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, cùng với đảng bộ các địa phương khác trong cả nước, Đảng bộ thành phố đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển công tác y tế, đặc biệt đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 28/10/2020 của Thành ủy về “Xây dựng và phát triển văn hoá, giáo dục, y tế trở thành mục tiêu và động lực phát triển kinh tế, xã hội thành phố giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2050”; xác định đầu tư cho công tác y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân là một trong những nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Thành ủy đã thường xuyên chỉ đạo Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân thành phố, các cơ sở y tế từ thành phố đến cơ sở triển khai thực hiện tốt các hoạt động y tế; số lượng, chất lượng cán bộ y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu, cán bộ luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ, y đức phục vụ người bệnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ cơ bản bảo đảm; công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân được duy trì thực hiện tốt, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quan tâm, thuận lợi cho người bệnh sử dụng các dịch vụ y tế, đặc biệt quan tâm khám bệnh cho đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo; hoạt động y học dự phòng được quan tâm và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, công tác giám sát, phát hiện dịch bệnh được triển khai thực hiện có hiệu quả, khống chế, khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm; 17/17 xã, phường đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, thành phố Lào Cai cũng như cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn; trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế cả nước nói chung, thành phố Lào Cai nói riêng đã phải gác lại mọi riêng tư, chấp nhận hy sinh cá nhân, dũng cảm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, lặng lẽ dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả của mình, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe; tận tụy, trách nhiệm, chu đáo chăm sóc người bệnh; không thể đong đếm được những khó khăn, cống hiến, những hy sinh vất vả của đội ngũ y tế phải gồng mình vượt qua trong thời gian đó để mang lại cuộc sống bình an cho người dân, họ đã không “chọn việc nhẹ nhàng”, đó là hành động đẹp, đầy tính nhân văn lan tỏa trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi được Bộ Y tế phân phối vắc xin phòng Covid-19, ngành Y tế thành phố đã kịp thời, chủ động thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản và chỉ đạo tổ chức các chiến dịch tiêm vắc xin trên địa bàn bảo đảm kịp thời và an toàn, trong đó đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 xuyên Tết Nhâm Dần năm 2022 tại Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa thành phố, các tổ lưu động thực hiện nhiệm vụ tại các nhà văn hóa khu dân cư trên địa bàn; thành phố hoàn thành việc tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 99,95%, trẻ em từ 5-11 tuổi mũi 2 đạt 94,8%, trẻ em từ 12-17 tuổi đạt 99,7%; công tác nhập liệu được cập nhật trực tiếp hoặc nhập hồi cứu lên hệ thống ngay sau buổi tiêm chủng, bảo đảm số liệu chính xác và kịp thời.

Năm 2024, tổng số khám trên địa bàn thành phố đạt 273.052 lượt; công suất sử dụng giường bệnh 83,05%; tỷ lệ giảm suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng đạt 7,81%, thể chiều cao đạt 9,96%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 98%; người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên được chăm sóc sức khỏe đạt 21.265 lượt; người cao tuổi được khám định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 14.017 lượt. Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, hệ thống y tế được đầu tư và củng cố với Trung tâm Y tế duy trì hạng III, Bệnh viện Đa khoa duy trì hạng II quy mô 170 giường bệnh; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình đạt 9,2 (đạt 108% mục tiêu nghị quyết đại hội); chuyển đổi số trong y tế được triển khai đồng bộ, đáp ứng 100% kế hoạch, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và chăm sóc sức khỏe; tỷ lệ dân số được quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử đạt 99% (đạt 110% mục tiêu nghị quyết đại hội); tổ chức hoạt động chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi đạt 64% (tăng khoảng 8%/năm, tăng 18% so với đầu nhiệm kỳ); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5% (đạt 96,4% mục tiêu nghị quyết đại hội).

Có thể khẳng định rằng, ngành Y tế là một ngành nghề cao quý, đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội, có vai trò gắn liền với sức khỏe và sự an lành của cộng đồng; không có nghề nào lại đi vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề y, cũng không có nghề nào như nghề y mà một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ lại có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng của con người, mà người mắc lỗi có khi không còn cơ hội sửa chữa, khắc phục được nữa. Nghề y là một nghề quan trọng, đặc biệt, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai nòi giống, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một quốc gia, dân tộc.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác y tế nói chung, y đức của cán bộ y tế nói riêng trên địa bàn thành phố, cấp ủy thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngành Y tế thành phố thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng của người thầy thuốc, đây vừa là định hướng vừa là yêu cầu nhiệm vụ của ngành y, đạo đức nói chung và y đức nói riêng phải được xây dựng từng bước một cách tự giác thông qua quá trình hoạt động thực tiễn của mỗi con người; đồng thời, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của các y, bác sĩ là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa nâng cao ý thức và hành vi y đức cho người thầy thuốc hiện nay.

Hai là, xây dựng môi trường y đức thật sự trong sạch, lành mạnh, đi đôi với việc đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực trong các cơ sở y tế, đây vừa là định hướng vừa là giải pháp quan trọng để xây dựng ngành y thời kỳ mới và hoàn thiện nhân cách cho người thầy thuốc, y đức cách mạng theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba là, ngành y, các cấp ủy, tổ chức đảng cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng cán bộ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người thầy thuốc, tạo động lực giúp cán bộ y, bác sĩ vươn lên tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng; vững vàng về chính trị, chuyên môn, gương mẫu về đạo đức, không ngừng đổi mới tác phong làm việc theo hướng chuyên nghiệp “lấy người bệnh làm trung tâm”, nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo; từng bước đưa công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế hội nhập quốc tế, có chất lượng cao về chuyên môn; đẩy mạnh đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ y tế phát triển dịch vụ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh, trọng tâm là đào tạo các cử nhân, bác sĩ chuyên khoa về y tế dự phòng.

Bốn là, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ chính sách về chăm sóc sức khoẻ toàn dân và bao phủ về y tế toàn dân với mục tiêu cao cả là nâng cao sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Phát triển y tế dự phòng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở; phát triển Trung tâm Y tế thành phố theo mô hình hoạt động đạt tiêu chuẩn đơn vị y tế dự phòng hạng II, tiếp tục quản lý hoạt động của các trạm y tế xã, phường có đủ khả năng đáp ứng các hoạt động chuyên sâu về phòng, chống dịch bệnh và công tác y tế dự phòng. Tăng cường năng lực hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng tại các tuyến, công tác khám, chữa bệnh ban đầu tại tuyến y tế cơ sở; bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh đến người dân thuận tiện, chất lượng; tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Năm là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất về y tế trên địa bàn, trọng tâm là hoàn thiện các tiêu chí Bệnh viện Đa khoa thành phố bảo đảm theo quy định bệnh viện hạng II, Trung tâm Y tế thành phố bảo đảm theo quy định trung tâm y tế hạng III, sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế cấp xã; hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống xử lý rác thải và nước thải y tế. Đầu tư thiết bị, vật tư y tế hiện đại, đặc biệt là phương tiện giám sát, phương tiện truyền thông và hệ thống xét nghiệm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh, phát triển công nghệ số, công nghệ thông minh trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng; giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm tính công bằng khi thực hiện các dịch vụ y tế, tránh được các rủi ro y tế không đáng có như việc nhầm lẫn thông tin chẩn đoán hay điều trị; sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến, chất lượng cao và thuận lợi hơn; minh bạch trong việc thanh toán các dịch vụ y tế.

Để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng Nhân dân và để cho y đức luôn là niềm tự hào của ngành y, mỗi thầy thuốc cần tiếp tục nêu cao lòng nhân ái, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng tiến bộ khoa học của y học vào hoạt động dự phòng, khám và chữa bệnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, có như thế mới xứng đáng với những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức, với truyền thống vẻ vang của ngành y, xứng đáng với vẻ đẹp nhân văn của những chiến sĩ khoác áo blouse trắng trên mặt trận phòng, chống, điều trị bệnh và cứu người, mãi mãi xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Đoàn Ngọc Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lào Cai
Tin tức
Đăng nhập
Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1