CÂY ĐA TRÊN 300 TUỔI Ở DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA QUỐC GIA ĐỀN THƯỢNG
Cách đây 13 năm, cây đa ở đền Thượng thành phố Lào Cai được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh miền núi biên giới Lào Cai được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là "Cây di sản Việt Nam" và là cây thứ 155 trong cả nước được công nhận là "Cây di sản Việt Nam".
Nằm trong khuôn viên di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Thượng linh thiêng, cây đa Di sản Việt Nam sừng sững, hiên ngang, vươn cao ngay bên bờ sông biên giới Nậm Thi trong khuôn viên đền Thượng nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, người có công to lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi, non sông đất nước, trở thành niềm tự hào của người dân tỉnh vùng biên cương Lào Cai.
Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cây đa đền Thượng thành phố Lào Cai thuộc giống đa lông và cây có chu vi toàn bộ thân cây lớn nhất Việt Nam, với chu vi 44 m, cao hơn 36 m, có tuổi đời trên 300 năm.
Cây đa đền Thượng thành phố Lào Cai được công nhận là Cây di sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Lào Cai (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)
CÂY ĐA TÍA TRĂM TUỔI Ở ĐỀN QUAN LÀO CAI
Cây đa tía cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm trong khuôn viên đền Quan ở phía sau ga Lào Cai cách đây gần chục năm được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Theo Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, cây đa tía đền Quan Lào Cai thuộc họ cây dâu tằm, là cây gỗ cổ thụ có dáng đẹp, chu vi đường kính gốc rất to, tán cành cây đa này che kín mái đền Quan uy nghiêm là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Cây đa tía đền Quan Lào Cai có chiều cao hơn 30 m, chu vi thân gốc đo ở độ cao 1,3 m tính từ mặt đất là 7,6 m; đường kính 2,5 m. Cây đa từ lâu đã đi vào tâm thức của bao nhiêu thế hệ người dân làng Soi Mười của xã Vạn Hòa nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.
Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, tâm linh, quân sự, khoa học và du lịch, tháng 2/2016, Đền Quan đã được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cây đa Đền Quan đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Cây đa tía trong khuôn viên đền Quan Lào Cai hàng trăm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam đang được bảo vệ, chăm sóc nghiêm ngặt . (Ảnh Phạm Ngọc Triển)
CÂY ĐA ĐẠI THỤ TRÊN CÁNH ĐỒNG TÒNG XÀNH CỐC SAN
Ngày 4/2 (tức mùng 7 tháng giêng Ất Tỵ 2025 âm lịch), xã Cốc San, thành phố Lào Cai tổ chức trọng thể Lễ hội Roóng Poọc và Lễ đón bằng công nhận cây Đa gần 300 năm tuổi tại cánh đồng thôn Tòng Xành là Cây di sản Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chúc mừng cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Cốc San đón bằng công nhận cây đa đại thụ gần 300 tuổi ở cánh đồng thôn Tòng Xành là Cây Di sản Việt Nam.
Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tin tưởng rằng, sau sự kiện vinh danh Cây Di sản Việt Nam, người dân địa phương sẽ bảo vệ tốt hơn những cây cổ thụ vừa được vinh danh, mà còn tích cực bảo vệ rừng tốt hơn nữa.
Cùng với cây đa ở Đền Thượng và cây đa ở Đền Quan ở thành phố Lào Cai được công nhận là Cây di sản Việt Nam trước đó, cây đa Di sản tại cánh đồng thôn Tòng Xành cũng sẽ là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng, khám phá.
Lãnh đạo UBND xã Cốc San xúc động tự hào cho rằng sự kiện công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây đa cổ thụ tại thôn Tòng Xành rất có giá trị trong việc gìn giữ bảo tồn nguồn gen quý.
Đồng thời còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái và đặc biệt cây đa cổ thụ này còn gắn liền với những giá trị về mặt văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương như: Lễ hội xuống đồng hàng năm, lễ gửi con khi con cái khó nuôi, lễ thanh minh, lễ rằm tháng Bảy…
Cây đa cổ thụ trăm tuổi trên cánh đồng Tòng Chú, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) đầu xuân Ất Tỵ 2025 được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường VIệt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam (Ảnh UBND xã Cốc San)