Thành phố Lào Cai phát triển quy hoạch xứng tầm đô thị trung tâm kết nối
Thành phố Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 và đang vươn mình từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm kinh tế vùng là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh, cũng như trong tổng thể hệ thống các đô thị của toàn quốc.

Trong những năm qua công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của thành phố Lào Cai đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về kết cấu hạ tầng, kiến trúc cảnh quan và không gian quy hoạch.

anh tin bai

Không gian đô thị thành phố Lào Cai ngày càng hiện đại

Sự đổi khác này đến từ khi thành phố Lào Cai mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 896 -UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lào Cai, theo đó,thành phố Lào Cai có diện tích tự nhiên 28.213 ha , 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường và 7 xã. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Lào Cai và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn năm 2050 được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 1020/QĐ-UBND ngày 13/4/2018. thành phố Lào Cai được phân thành 7 phân khu có tính chất, quy mô diện tích, dân số và chức năng khác nhau.

Không gian đô thị mở rộng tạo ra nhiều dư địa để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế. Từ phía Bắc đến phía Nam thành phố, các nhà đầu tư có năng lực và uy tín như Tập đoàn Bitexco, Nam Tiến, Kosy Group, Phú Hưng, Sun Group, Geleximco, Tecco, FLC đã và đang triển khai hàng loạt dự án phát triển đô thị với tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với nhiều khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng và trung tâm thương mại hiện đại mọc lên.

Trong khi đó, 8 Trục Đông - Tây (trục ngang) qua đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang được thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư nhằm đạt cho được mục tiêu kéo khu nông thôn thành phố về gần khu đô thị trung tâm.

Với không gian đô thị mở rộng và hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng đồng bộ đã từng bước thay đổi diện mạo, mở ra cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố Lào Cai. Kinh tế có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt mức 2 con số; Tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ tăng mạnh, chiếm 51,7%. Khu kinh tế cửa khẩu ngày càng sôi động, giữ vai trò động lực đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh và thành phố, với giá trị xuất nhập khẩu đạt trên 3,4 tỷ USD/ năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 104 triệu đồng. Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo. Thành phố đang dần khẳng định vị thế là một đô thị biên giới hiện đại, là trung tâm giao thương kết nối và du lịch của vùng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tiếp đà phát triển đó, thành phố Lào Cai trong giai đoạn mới đã được Trung ương và tỉnh Lào Cai quan tâm định hướng cụ thể, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 316/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 01/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai về phát triển thành phố Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050....

anh tin bai

Vì vậy UBND thành phố Lào Cai đã tổ chức lập Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Lào Cai đến năm 2045 và đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 3118/QĐ-UBND ngày 26/11/2024 để cụ thể hóa các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các cấp trên. Mục tiêu và tính chất của việc điều chỉnh quy hoạch:

- Thành phố Lào Cai là trung tâm giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với vùng Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN; là thành phố du lịch với các sản phẩm du lịch giải trí cao cấp; là một trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội cho khu vực biên giới của tiểu vùng trung tâm và tiểu vùng Tây Bắc. Hình thành một trục kinh tế động lực dọc sông Hồng, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai.

- Xây dựng thành phố Lào Cai trở thành đô thị loại I, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; Cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển mới, hội nhập với sự phát triển của vùng và khu vực, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa, mở rộng không gian đô thị và tăng trưởng kinh tế

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này thể hiện tầm nhìn cũng như khát vọng đưa thành phố Lào Cai phát triển lên tầm cao mới, khẳng định vị thế mới. Một trong những nội dung quan trọng của đồ án là định hướng thành 9 phân khu chức năng, bao gồm: Khu đô thị lịch sử, trung tâm hành chính TP. Lào Cai; Khu trung tâm hành chính, dịch vụ công cộng tỉnh; Khu hỗn hợp dịch vụ công cộng, đô thị sinh thái ven sông; Đô thị sinh thái, cảnh quan lâm viên; Kinh tế cửa khẩu, công nghiệp và du lịch tâm linh,…..Đây là dấu mốc rất quan trọng, mở ra triển vọng phát triển mới và cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị của thành phố, tạo động lực, cơ hội cho thành phố khơi dậy và giải phóng tiềm năng, thu hút tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển. 

anh tin bai

Hướng phát triển đô thị:

- Hướng 1: Theo hướng Đông Nam về các xã/phường Bình Minh, Xuân Tăng, Cam Đường và Thống Nhất. Hình thành đô thị dạng chuỗi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam (dọc theo sông Hồng); phát triển các khu đô thị sinh thái, trung tâm y tế, giáo dục, văn hóa - TDTT, sân golf, dịch vụ đô thị.

- Hướng 2: Theo hướng Tây về các xã/phường Bắc Cường, Nam Cường, Cốc San, Hợp Thành, Tả Phời. Phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, sân golf gắn với cảnh quan tự nhiên và văn hóa truyền thống các dân tộc; khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.

- Hướng 3: Theo hướng Bắc về phía các xã/phường Duyên Hải, Cốc Lếu, Lào Cai, Kim Tân, Đồng Tuyển. Phát triển dịch vụ thương mại, kinh tế cửa khẩu gắn liền với du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội; công nghiệp và khai thác khoáng sản.

Mô hình, cấu trúc đô thị phát triển theo mô hình chuỗi kết nối các chức năng trong đô thị trên cơ sở khung giao thông gồm 07 trục dọc kết nối Bắc - Nam, 07 trục ngang kết nối Đông – Tây.

- Cấu trúc không gian xanh: Không gian xanh tự nhiên (rừng); không gian xanh bán tự nhiên (lâm viên, đồng ruộng gắn với dân cư nông thôn ngoại thị); không gian xanh nhân tạo (hệ thống các công viên công cộng, công viên chuyên đề, sân golf,....).

Một số chủ trương lớn khác trong lần điều chỉnh quy hoạch chung này, bao gồm: nâng cấp tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1,435 m tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó có đoạn đi qua thành phố Lào Cai và tuyến đường sắt khổ lồng (1.435 mm và 1.000 mm) nối Cảng cạn Lào Cai - Ga Lào Cai; bỏ tuyến đường sắt chuyên dụng khai thác mỏ apatit đi qua khu vực nội thị; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân như: Xây dựng một hệ thống mạng lưới không gian công cộng kết hợp dịch vụ trên địa bàn thành phố dọc theo hướng Bắc Nam và chạy dọc sông Hồng, khai thác du lịch trên sông Hồng, quần thể du lịch tâm linh - tín ngưỡng - di tích lịch sử gắn với du lịch cửa khẩu quốc tế. Trong đó, trọng tâm là hình thành hệ thống các công viên: Công viên sử dụng công cộng; Hệ thống công viên chuyên đề; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình về văn hóa, y tế, thể thao, an sinh xã hội cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Lào Cai. Đặc biệt điểm nhấn một số công trình mang tầm quốc tế.

Với việc Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Lào Cai đến năm 2045, cùng những định hướng quan trọng đã đề ra, chắc chắn, Đồ án sẽ tạo cơ hội để thành phố Lào Cai tiếp tục đà bứt phá, khẳng định tầm nhìn chiến lược cũng như quyết tâm chính trị cao của Tỉnh và thành phố Lào Cai.

Thanh Mai
Tin tức
Đăng nhập
Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1