Quy định phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên
Theo Quy định, mọi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh; khắc phục hậu quả theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo, trao đổi, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, che giấu, không cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên thì tùy theo mức độ, hậu quả, nguyên nhân sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.
Học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là một biện pháp phòng ngừa vi phạm (ảnh Huyện ủy Cái Nước quán triệt Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII)
Đề ra 08 nhóm biện pháp phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên
(1) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bảo đảm thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, khả thi và cơ chế thi hành nghiêm minh. (2) Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước... (3) Công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc, quy định, quy trình, quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức... (4) Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kê khai, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. (5) Điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, đảng viên theo quy định; cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất cho báo chí, truyền thông về kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. (6) Phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức đảng có liên quan trong xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. (7) Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác lãnh đạo, quản lý; xây dựng và hoàn thiện các nền tảng ứng dụng trực tuyến trong khai thác dữ liệu phục vụ nhiệm vụ, dịch vụ công; công khai các kênh thông tin tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, tố giác, phản ánh, kiến nghị về hoạt động công vụ. (8) Hoàn thiện phương pháp đánh giá, chấm điểm năng lực, tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công việc của tổ chức đảng, đảng viên…
Có 06 nhóm biện pháp ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên
(1) Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động theo dõi, dự báo, nắm chắc tình hình; xác minh ngay dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. (2) Kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định. (3) Tạm đình chỉ công tác, đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với cán bộ, đảng viên vi phạm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. (4) Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. (5) Yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên vi phạm xây dựng kế hoạch khắc phục vi phạm, khuyết điểm theo kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, đồng thời giám sát việc thực hiện. (6) Khuyến khích tổ chức đảng, đảng viên tự giác báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, nộp lại tài sản, thu nhập liên quan đến vi phạm, chủ động chấm dứt vi phạm và khắc phục kịp thời hậu quả đã gây ra.
Ngoài ra, Quy định nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra và người có thẩm quyền trong phòng ngừa vi phạm, trong phát hiện và ngăn chặn vi phạm./.