Ngã ba sông Hồng và sông Nậm Thi ở thành phố trẻ biên cương
Trong một dịp lên thăm huyện biên giới Bát Xát và thành phố trẻ biên cương Lào Cai, nhà báo Dương Soái rủ chúng tôi xuống bờ sông biên giới để ngắm nhìn thoả thích “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt”.
Nhà báo Dương Soái ( người chụp ảnh trong ảnh) tác giả bài thơ và cũng là lời ca khúc nổi tiếng ”Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt”
Và ông đã kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” mà mình đã viết trong dịp đi công tác trên biên giới Lào Cai đầu năm 1979, khi ấy nhà báo Dương Soái là phóng viên thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Dương Soái bảo đó cũng là những cảm xúc chân thật của một người con sinh ra ở vùng châu thổ sông Hồng đã từng có hơn chục năm làm nghề địa chất ở Đoàn đại chất 304, chuyên đi tìm “các kho báu” cho Tổ Quốc trên vùng thượng nguồn sông Hồng ở Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát và thành phố Lào Cai...
Nhà báo Dương Soái có lần tâm sự với tôi ông đã rất mừng khi bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” được đăng trang trọng trên trang thơ của Tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) tháng 3/1980 và được nhiều bạn đọc trẻ chép lại vào sổ tay cá nhân.
Xin nói thêm vị trí đầu tiên “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” chính là khu vực bản Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), là nơi dòng suối Lũng Pô trong xanh chảy từ huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và vùng Ý Tý (Việt Nam) chảy xuống hợp lưu với dòng sông Hồng cũng chảy từ phía Mạn Hảo, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đổ dòng về đất Việt của chúng ta.
Còn thành phố trẻ biên cương tỉnh lỵ Lào Cai cũng được mệnh danh “Nơi con sông Hồng chảy hoàn toàn vào Đất Việt”.
Nơi này còn có thêm dòng sông Nậm Thi chảy từ phía Đông Nam huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) chảy vào Việt Nam.
Đặc biệt, vị trí hợp lưu giữa dòng Nậm Thi nước xanh như ngọc với dòng sông Hồng đỏ lựng phù sa ngay ở khu vực cầu Hồ Kiều II trên biên giới Việt – Trung, là nơi nhiều người tìm đến ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm mỗi khi tới thăm cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu.
Tỉnh biên giới Lào Cai và thành phố tỉnh lỵ Lào Cai hôm nay trở nên quen thuộc với mọi người Việt Nam, vì nơi đây có địa danh rất nổi tiếng “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông và các tua du lịch./.