Những người lính thành phố Lào Cai cùng đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn
Từ năm 1995 tới nay, năm nào các cựu chiến binh thành phố Lào Cai cùng đợt nhập ngũ tháng 6/1974 và từng có mặt cùng đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975 cũng tổ chức gặp mặt ôn lại kỷ niệm một thời vẻ vang không thể nào quên.
anh tin bai

Thiếu tướng Ngô Văn Hùng - Phó tư lệnh Quân khu 2, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai trò chuyện với các cựu chiến binh Sư đoàn 320A thành phố Lào Cai từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (Ảnh Phạm Ngọc Triển)

Kỷ niệm được ngủ trong đêm hòa bình đầu tiên ở dinh độc lập sài gòn

Nhớ mãi kỷ niệm chiều tối ngày 26/4/1975, Sư đoàn 320A anh hùng của chúng tôi làm lễ xuất trận trong chiến dịch lớn cuối cùng của quân ta mang tên Bác Hồ kính yêu trong cánh rừng le ngút ngàn có rất nhiều hố bom pháo của địch cùng hệ thống địa đạo chằng chịt dấu mình trong lòng đất vành đai thép Củ Chi nằm ven sông Sài Gòn.

Chẳng sợ chết trước khi trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975 vào giải phóng thành phố Sài Gòn, những người lính trẻ tỉnh Lào Cai cùng đồng đội vẫn bình tĩnh ghi tên tuổi, mật danh đơn vị  A 500 gói vào túi ni-lon để trong ngực phòng khi hy sinh. Chúng tôi nhớ lắm đêm ngày 29/4 nhiều nhà dân ở huyện Hóc Môn cho bộ đội Quân giải phóng ở nhờ chờ sáng ngày 30/4 tiếp tục xuất kích vào nội thành.

Nhớ mãi hình ảnh thân thương của các má, các chị, các em người dân thành phố Sài Gòn - Gia Định thân thương mang nước uống, trái cây tươi... tặng bộ đội ta trên đường tiến quân đánh chiếm vào các mục tiêu trọng yếu trong thành phố.

Nhớ nhất là khi được lệnh tăng tốc hành quân, các lái xe người thành phố đang chở khách trên đường được huy động lái xe giúp chở bộ đội tiến quân cho kịp thời gian. 

Họ đã vui vẻ cộng tác cùng bộ đội và dũng cảm cầm lái cùng với biệt động thành phố đưa Quân giải phóng đi thẳng vào gần các mục tiêu đã định ở nội đô thành phố.

Các chiến sỹ quê vùng núi Lào Cai có mặt trong đội hình chiến đấu của các sư đoàn 320A, 316, 10 trực thuộc Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn từ hướng tây bắc để tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu của địch như căn cứ thép Đồng Dù Củ Chi, Bộ Tổng tham mưu của Quân đội ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập là đầu não của chính quyền Trung ương ngụy.

Như trong mơ, sau khi chiến dịch giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn Kết thúc vẻ vang, từ chiều tối ngày 30/4/1975 đến sáng ngày 3/5/1975 các chiến sỹ trẻ quê vùng biên giới Lào Cai bất ngờ được cùng anh em đại đội 10, tiểu đoàn 9,trung đoàn 64 (Sư đoàn 320A) ăn ngủ tại Dinh Độc Lập để cùng đơn vị bạn bảo vệ mục tiêu đặc biệt này.

Hết phiên canh gác bảo vệ vị trí trong Dinh Độc Lập chúng tôi lại rủ nhau ngắm cảnh người dân thành phố Sài Gòn trò chuyện thân tình với bộ đội Quân Giải phóng  chính quy quê miền Bắc hay ra phố tìm tiệm chụp ảnh kỷ niệm gửi về tặng bố mẹ ở quê nhà.

Nhớ mãi lời dặn dò của thủ trưởng đơn vị tôi thường xuyên nhắc nhở bộ đội đi chơi phố phải đi một tốp 3 người đề phòng bất chắc, cẩn thận trong mọi mối quan hệ vì thành phố mới giải phóng để không bị "Ăn phải đạn bọc đường" của tàn dư chế độ cũ...

Nhiều chiến sỹ quê vùng núi Lào Cai có mặt trong đội hình chiến đấu của các sư đoàn 320A, 316, 10 trực thuộc Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn từ hướng tây bắc để tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu của địch như căn cứ thép Đồng Dù Củ Chi, Bộ Tổng tham mưu của Quân đội ngụy, Sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập là đầu não của chính quyền Trung ương ngụy.

Chiến sỹ Đào Nguyên Hồng là những liệt sỹ cuối cùng của Sư đoàn 320A của chúng tôi và của tỉnh Lào Cai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Tên liệt sỹ Đào Nguyên Hồng đã được vinh dự ghi danh trong số những người góp phần làm rạng danh tỉnh Lào Cai trong cuốn Đặc san kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Lào Cai (1907 -2007) và tên liệt sỹ này còn được cơ quan chức năng tỉnh chọn lưu giữ trong ngân hàng dữ liệu đặt tên đường phố mới của thành phố Lào Cai.

Địa danh  Đất thép thành đồng Củ Chi được cả thế giới biết tên và Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có ngôi đền thiêng khắc tên tưởng nhớ hàng vạn người con ưu tú của mọi miền đất nước, trong đó cũng có tên một số liệt sỹ người Lào Cai và liệt sỹ Đào Xuân Minh người phố cũ Cốc Lếu,chiến sỹ Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320A) đã anh dũng hy sinh sáng ngày 29/4/1975 trong trận đánh lớn của ta xóa sổ căn cứ Sư đoàn 23 ngụy quân ở thị trấn Củ Chi, kịp thời mở toang hướng tây bắc thành phố cho đại quân tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.

anh tin bai

Mộ liệt sỹ Đào Xuân Minh, quê phố cổ Lào Cai an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) hy sinh ngày 29/4/1975 tiến công căn cứ Đồng Dù Củ Chi mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn từ hướng tây bắc (Ảnh Phạm Ngọc Triển)

Mộ của liệt sỹ Đào Xuân Minh được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Củ Chi một trong nghĩa trang liệt sỹ đẹp nhất và đặc biệt nhất thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

 Họ vẫn luôn phát huy truyền thống "bộ đội cụ hồ" 

Lớp cựu chiến binh tỉnh Lào Cai nhập ngũ tháng 6/1974  từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 hiện đang sinh sống ở thành phố Lào Cai đã luôn luôn phát huy truyền thống cao đẹp của "Anh bộ đội Cụ Hồ".

anh tin bai

Các cựu chiến binh thành phố Lào Cai và tỉnh Lào Cai nhập ngũ tháng 6/1975 có mặt trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975 giải phóng thành phố Sài Gòn ngày 30/4/1975 (Ảnh TL)

Trong đó có cựu chiến binh Nguyễn Văn Hòa, nguyên Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai, ngày ấy ông là lính chiến Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320A) đã mưu trí, dũng cảm cùng đồng đội đánh chiếm kịp thời căn cứ  Đồng Dù Củ Chi do Chuẩn tướng ngụy Lý Tòng Bá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 ngụy chỉ huy, ngay trong ngày 29/4/1975, góp phần mở toang đường cho Quân Giải phóng từ hướng tây bắc  tiến công vào trung tâm thành phố Sài Gòn.

 Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam cựu chiến binh Nguyễn Văn Hòa trở lại quê nhà vùng biên giới thị xã Lào Cai sinh sống cùng gia đình, trên cương vị tự vệ tiểu khu Duyên Hải ông đã lập chiến công xuất sắc bảo vệ biên giới quê hương  tháng 2/1979 và được Đảng, Nhà nước phong tặng Danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

anh tin bai

Các cựu chiến binh Hoàng Văn Sài( nguyên bí thư Đảng ủy phường Nam Cường), Nguyễn Minh Chung ( thương binh phường Nam Cường), Phạm Ngọc Triển ( phường Kim Tân) từng trực tiếp tiến công giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975 (Ảnh TL)

Đó là Đại tá Trần Kim Ngọc, nguyên Phó trưởng phòng Công an tỉnh Lào Cai; Thượng tá Trần Văn Hải, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Cam Đường, cố Thượng tá Đỗ Thanh Tùng, Trưởng ban cán bộ Sư đoàn 320A, Nguyễn Thanh Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái, Nguyễn Đức Đôn, nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai; Phạm Ngọc Triển, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai, Hoàng Văn Sài, nguyên Bí thư phường Nam Cường, Phạm Đình Trọng, Bí thư chi bộ An Lạc (phường Bắc Cường)...

Còn nhiều người lính khác không phải quê Lào Cai nhưng họ từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975 hiện đang sinh sống và làm ăn tại thành phố Lào Cai hoặc có hàng chục năm gắn bó công tác với địa bàn biên giới tỉnh Lào Cai như Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VIệt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thiếu tướng Ngô Văn Hùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai, Phó Tư lệnh Quân khu 2, Đại tá Đỗ Văn Thắng, Chủ nhiệm phòng chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai, nhà báo Lê Minh Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai...

Đó là niềm tự hào lớn lao của một thế hệ cựu chiến binh tỉnh Lào Cai và thành phố Lào Cai có vinh dự cầm súng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975 vĩ đại, trực tiếp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Phạm Ngọc Triển
Tin tức
Đăng nhập
Designed by VNPT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1