Chuyện những người làm phát thanh - truyền hình cơ sở (Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Phát thanh – Truyền hình Việt Nam 7/9/1945 – 7/9/2023)
Công tác tuyên truyền góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố Lào Cai
Sau khi tổ chức sáp nhập với Trung tâm Văn hóa, Thể thao các huyện, thành, các Đài Truyền thanh - Truyền hình trở thành một bộ phận của Trung tâm Văn hoá, thể thao - Truyền thông với tên gọi Tổ Truyền thanh – Truyền hình. Về cơ bản, hoạt động của Tổ vẫn duy trì như trước. Ở các Trung tâm, hiện nay đội ngũ phóng viên mỏng, trong khi chương trình thời sự phát thanh, truyền hình đòi hỏi phải xây dựng hằng ngày; thế nên nhiều khi anh em phóng viên phải làm việc liên tục mới kịp tin, bài để xây dựng chương trình trong ngày. Một người kiêm nhiệm nhiều khâu từ viết, quay, dựng, trực kỹ thuật đến phát thanh viên. Trước những khó khăn đó, với tinh thần trách nhiệm, sự năng động, nhiệt huyết, đội ngũ phóng viên cấp huyện, thị xã, thành phố được gắn bó với thực tế tại cơ sở. Phóng viên Kim Hoàn bộc bạch: “ Việc đi cơ sở, xuống từng khu dân cư, tổ dân phố để viết tin, bài, tôi thấy khi được trực tiếp với các sự kiện, sự việc đó; tôi thấy sức lan tỏa từ những bài viết của mình là động lực để cho phóng viên chúng tôi thêm yêu và gắn bó với nghề hơn”
Tổ truyền thanh – truyền hình thuộc Trung tâm Văn hóa, thể thao – Truyền thông thành phố Lào Cai hiện nay có 14 người, trong đó có 1 đồng chí là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Lào Cai phụ trách tổ truyền thanh – truyền hình và 13 phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên; 100% phóng viên của tổ truyền thanh – truyền hình được đào tạo Đại học, trong đó có tới trên 80% chuyên ngành báo chí. Với đội ngũ phóng viên ít, khối lượng công việc nhiều là những khó khăn đối với những người làm báo ở thành phố. Phóng viên Phan Ngọc tâm sự: “Theo tôi, để có tác phẩm hay, lan toả, phóng viên cần thâm nhập thực tế, nắm chắc những chủ trương chung của thành phố, của tỉnh cũng như của đất nước. Từ đó mình mới có những đề tài, dấu ấn, tiếng nói, hơi thở của cuộc sống.”
Phóng viên Phan Ngọc tác nghiệp tại thôn Bản Cam, xã Thống Nhất
Phóng viên Trần Khánh Nga, Trung tâm Văn hoá, thể thao - Truyền thông thành phố Lào Cai có 20 năm gắn bó với nghề. Là một phóng viên nhanh nhẹn, năng động, chị cho biết, để sáng tạo nên một tác phẩm hay, có giá trị, chị và các đồng nghiệp luôn phải tìm tòi, phát hiện những đề tài hay, mới. Tiếp đó là xâm nhập thực tế, khai thác thông tin, hình ảnh, quay hình, phỏng vấn; rồi đến xử lý hậu kỳ. Mỗi tác phẩm hoàn thành là cả tâm huyết của các anh, chị, em đồng nghiệp. Trong quá trình công tác, phải đi cơ sở, đã cho chị nhiều trải nghiệm. Phóng viên Trần Khánh Nga chia sẻ: “ Tôi thường xuống khu dân cư, tổ dân phố để tìm những tấm gương điển hình, nhân tố mới, để phản ánh sát thực đời sống của Nhân dân, chính những thông tin từ cơ sở đã được Nhân dân rất đón nhận, đó là điều chúng tôi thêm yêu nghề và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Phóng viên Khánh Nga 20 năm gắn bó với nghề
Mặc dù với số lượng phóng viên, biên tập viên khiêm tốn, nhưng hằng ngày tổ truyền thanh – truyền hình, Trung tâm Văn hoá, thể thao - Truyền thông thành phố Lào Cai đều sản xuất 1 chương trình phát thanh với thời lượng 30 phút/chương trình; thực hiện phát 7 chương trình/ tuần và phát sóng 2 lần/ngày; 4 trang địa phương/tháng phát trên sóng đài tỉnh và thực hiện nhiều tin, bài phóng sự cộng tác với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, báo tỉnh và trên trang Thông tin điện tử của thành phố, phục vụ ngày lễ, ngày kỷ niệm của thành phố, các ngành và xã, phường. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổ truyền thanh – truyền hình đã thực hiện 396 chương trình phát thanh, trang truyền hình phát sóng trên Đài PT-TH tỉnh, Bản tin truyền hình đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố, với trên 2 nghìn tin bài, phóng sự.... Trong đó, nổi bật là tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện Chỉ thị 03 của Thành uỷ Lào Cai, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai… Những vất vả, thầm lặng của người làm phát thanh – truyền hình cơ sở rất cần được sự quan tâm, động viên, nhất là về đầu tư trang thiết bị phục vụ cho tác nghiệp. Áp lực về thời gian, công việc nhưng đội ngũ phóng viên đã cố gắng vượt lên tất cả để mang thông tin đến với người dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, thể thao - Truyền thông thành phố Lào Cai cho biết: “ Trong thời đại số và chuyển dịch công nghệ 4.0, báo chí vẫn là kênh thông tin thu hút được đông đảo khán thính giả, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thành phố, hơn lúc nào hết đội ngũ những người làm phát thanh – truyền hình của thành phố luôn nhanh nhạy, kịp thời, mỗi phóng viên đều năng động, nhiệt huyết đưa tin kịp thời các sự kiện, sự việc đến với công chúng. Nhiệm vụ nhiều, cần ngay trong khi đó trang thiết bị để tác nghiệp chưa được đầu tư đúng mức để làm báo chuyên nghiệp, nhưng đội ngũ phóng viên, biên tập viên vẫn vượt lên tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như đáp ứng nhiệm vụ chính trị của thành phố. Là những người làm báo tôi mong muốn thành phố tiếp tục quan tâm hơn nữa để công tác tuyên truyền thực sự hiệu quả hơn”.

Đội ngũ phóng viên Trung tâm Văn hoá, thể thao – Truyền thông thành phố Lào Cai sản xuất chương trình
Dẫu biết khó khăn, trở ngại phía trước còn nhiều, nhưng những người làm báo của Trung tâm Văn hóa, thể thao - Truyền thống thành phố Lào Cai đã và luôn tràn đầy nhiệt huyết với nghề, hàng ngày, hàng giờ vẫn cần mẫn, nỗ lực đưa thông tin tuyên truyền mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiến trình phát triển cũng như các hoạt động của từng địa phương đến với người dân trên địa bàn thành phố, tạo nên những bức tranh đa màu sắc của cuộc sống..